Phân biệt các loại mụn và điều trị dứt điểm mụn

Mụn là vấn đề da liễu thường gặp ở mọi độ tuổi, mỗi loại mụn sẽ có đặc điểm, nguyên nhân, cách điều trị và mức độ ảnh hưởng khác nhau. Các loại mụn thường gặp bao gồm mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn sẩn (mụn sần), mụn mủ, mụn bọc, mụn nang, thêm vào đó còn có mụn thịt, mụn cóc. Nắm rõ những loại mụn này sẽ có cách điều trị đúng và triệt để

Đọc thêm

Mối liên hệ mật thiết giữa stress và mụn

Top những thực phẩm làn da mụn nên thêm vào chế độ ăn hàng ngày

Thâm mụn không còn là nỗi lo nếu bạn nắm chắc những bí quyết này

Nhóm loại mụn không viêm

1. Mụn đầu đen

Mụn đầu đen là loại mụn không viêm, xuất hiện do sự tích tụ tế bào chết, vi khuẩn và bụi bẩn tắc nghẽn ở các nang lông. Mụn đầu đen nằm dưới lỗ chân lông mở, đầu mụn bị oxy hóa khi tiếp xúc trực tiếp với không khí, nên đỉnh mụn chuyển sang màu đen.

Mụn xuất hiện trên bề mặt với lỗ li ti như đầu ghim có màu đen, có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Kích thước từ 1 – 2 mm với số lượng nhiều và chủ yếu xuất hiện trên mũi, cằm, trán, vai và lưng.

Nguyên nhân chính của mụn đầu đen là do tắc nghẽn lỗ chân lông bởi bã nhờn và tế bào da chết. Mụn thường xuất hiện ở người đang tuổi dậy thì do sự thay đổi nồng độ hormone kích thích quá trình sản xuất bã nhờn tăng đột biến. Ngoài ra, yếu tố môi trường, đổ mồ hôi, căng thẳng,… cũng có thể là nguyên nhân gây mụn đầu đen.

Mụn đầu đen thường xuất hiện nhiều nhất ở mũi

2. Mụn đầu trắng

Giống như mụn đầu đen, mụn đầu trắng thuộc nhóm mụn không viêm. Mụn đầu trắng xuất hiện do tắc nghẽn lỗ chân lông bởi dầu thừa và tế bào da chết tích tụ. Khác với mụn đầu đen, mụn đầu trắng có lỗ chân lông đóng nên da chết, bụi bẩn gây tắc nghẽn ở dưới bề mặt da không bị oxy hoá, dẫn đến đầu mụn vẫn có màu trắng, kích thước khoảng 1 – 2 mm, gây sần sùi trên bề mặt. Xung quanh mụn thường không bị viêm nhiễm hay đau nhức. Mụn đầu trắng thường xuất hiện trên khu vực da mặt như ở trán và cằm.

Mụn đầu trắng thường xuất hiện nhiều ở mũi, cằm và xuất hiện cùng nhiều sợi bã nhờn

Nhóm các loại mụn viêm

1. Mụn sẩn (Papules)

Mụn sẩn là một dạng mụn viêm thường xuất hiện dưới dạng nốt đỏ, không có nhân mủ, mụn không có đầu mủ nhưng vẫn dễ nhận thấy, hơn nữa chúng có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc thành đám. Mụn sẩn có kích thước nhỏ hơn 5 mm và cứng, có thể gây đau, nkhó chịu nhưng không gây nhiễm trùng.

Mụn sẩn thường là dấu hiệu nhận biết ban đầu của mụn viêm, thậm chí có thể chuyển sang mụn mủ sau vài ngày nếu không được chăm sóc đúng cách.

Mụn sẩn thường xuyên xuất hiện trên khu vực mặt, cổ, vai và lưng.

Mụn sẩn xuất hiện có thể do các nguyên nhân sau:

  • Tuyến dầu (bã nhờn) hoạt động quá mức, sản xuất quá nhiều dầu
  • Vi khuẩn phát triển nhiều trên da
  • Nội tiết tố androgen tăng ở tuổi dậy thì, đặc biệt là nam giới
  • Tác dụng phụ khi sử dụng một số loại thuốc bao gồm corticosteroid và steroid đồng hóa.

2. Mụn mủ (Pimples, pustules)

Mụn mủ là loại mụn viêm có chứa mủ bên trong, có màu trắng hoặc vàng ở giữa, đầu mụn mềm, kích thước nhỏ hơn 5 – 10 mm. Mụn thường xuất hiện khi nang lông bị tắc nghẽn do dầu nhờn, vi khuẩn, tế bào chết và bị nhiễm trùng gây mủ. Mụn thường xuất hiện nhiều ở khu vực cằm, quanh miệng, mũi, má, trán, quai hàm, thái dương.

Mụn mủ phát triển chủ yếu do dầu thừa và tế bào da chết tắc nghẽn bên trong lỗ chân lông, làm viêm lỗ chân lông tạo thành dịch mủ. Ngoài ra một số yếu tố khác như rối loạn hormone, căng thẳng, chăm sóc da không đúng cách cũng làm tăng nguy cơ mụn mủ xuất hiện

Mủ trong các nốt mụn là xác chết của bạch cầu trong cơ thể vì vậy cần chú ý không tự ý nặn mụn mủ,

bởi vì hành động này sẽ dễ khiến da bị tổn thương và làm cho mụn nặng hơn

3. Mụn bọc (Nodules)

Mụn bọc (nodules) là tình trạng mụn viêm nặng nhất của mụn trứng cá. Không giống như những loại mụn khác, mụn bọc cần được điều trị bằng các sản phẩm kê toa bởi bác sĩ, các loại sản phẩm không kê đơn (OTC) không có tác dụng với mụn bọc.

Mụn bọc ở cằm thường xảy ra phổ biến ở phụ nữ do có liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố

Nguyên nhân dẫn đến mụn bọc là do vi khuẩn C. acnes (Cutibacterium acnes), một loại vi khuẩn gram dương sống kỵ khí thường sống trên bề mặt da, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ sinh sôi và phát triển tại nang lông khiến cơ thể phản ứng lại bằng cách huy động lực lượng bạch cầu đến các ổ vi khuẩn tạo thành các nốt mụn bọc, gây sưng viêm và đau nhức.

Một số nguyên nhân khác gây ra mụn bọc có thể kể đến như yếu tố di truyền, lỗ chân lông bị bít tắc, da tiết nhiều dầu và bã nhờn, rối loạn nội tiết tố do nồng độ hormone androgen tăng cao khiến da tăng tiết dầu, chăm sóc da không cách, dùng sản phẩm chăm sóc da chưa phù hợp, …

Cách nhận biết mụn bọc

  • Những cục u cứng có thể sờ, cảm nhận dưới da
  • Gây đau, đặc biệt khi bạn chạm vào các nốt mụn
  • Mụn nổi lên thường có màu đỏ hoặc màu giống với màu da.

Vị trí thường xuất hiện

  • Ở nam giới, mụn thường xuất hiện trên mặt, lưng hoặc ngực
  • Ở nữ giới mụn thường phát triển ở xương hàm hoặc cằm.
  • Phân biệt các loại mụn viêm: Mụn bọc

4. Mụn nang (Cysts)

Mụn nang hay còn được biết đến với những cái tên khác như mụn u nang hay mụn mủ, là một loại biến thể tồi tệ nhất của mụn trứng cá. Mụn nang bắt đầu phát triển từ sâu trong da, chứa đầy dịch mủ, ửng đỏ và sưng to như những khối u trên bề mặt da. Mụn nang không chỉ gây nên cảm giác đau nhức, khó chịu trong một thời gian dài mà còn để lại những tổn hại cho làn da của bạn như sẹo vĩnh viễn, những vết sẹo lõm và sâu trên da.

Mụn nang thường xuất hiện ở mặt hoặc có thể xảy ra ở một số vùng da khác trên cơ thể của bạn như lưng, ngực hay cổ. Trứng cá dạng nang cũng xuất hiện nhiều hơn ở nam giới và tình trạng của mụn cũng nặng hơn, bởi vậy cánh mày râu nên chú ý đến nó.

Mụn nang hình thành trên da dưới dạng cục màu đỏ, bên trong thường chứa mủ, những nốt không chứa mủ thường có kích thước nhỏ hơn

Nguyên nhân chính hình thành mụn u nang chính là sự tích tụ của vi khuẩn, bã nhờn, bụi bẩn và tế bào chết trong một thời gian dài gây bít tắc lỗ chân lông, từ đó gây nên tình trạng viêm nhiễm. Ngoài ra còn có một số yếu tố khác tác động thúc đẩy tình trạng mụn nang trở nên nặng hơn như:

  • Sự thay đổi nội tiết tố từ bên trong cơ thể, khi lượng dầu trên da thay đổi vì sự thay đổi đột ngột của hormone trong cơ thể có thể kích thích vi khuẩn trên da hoạt động mạnh hơn và dẫn đến da bị nhiễm trùng.
  • Việc lạm dụng mỹ phẩm, sử dụng sai cách và không tẩy trang kỹ sau khi trang điểm cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng bít lỗ chân lông.
  • Thói quen nặn mụn ở nhà và mọi lúc mọi nơi là một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến mụn nang bởi sự viêm nhiễm khi sử dụng những dụng cụ không đảm bảo an toàn, không đủ vệ sinh.
  • Da bị nhiễm corticoid, thành phần có thể có trong một số mỹ phẩm kém chất lượng hoặc thuốc trị mụn.
  • Sử dụng một số loại thuốc như steroid, lithium dùng trong điều trị chứng trầm cảm và rối loạn lưỡng cực hay một số thuốc chữa trị bệnh động kinh cũng có thể là nguyên nhân gây nên mụn u nang.
  • Ở một số trường hợp, mụn nang cũng có thể xuất hiện ở những người hút thuốc lá.

Phân biệt mụn nang với những loại mụn khác

Mụn nang thực chất là bước phát triển thứ năm trong giai đoạn phát triển của mụn, bởi vậy cơ chế hình thành và nguyên nhân gây mụn chủ yếu đều giống với các loại mụn khác. Tuy nhiên mụn nang có một số đặc điểm nhận biết nổi bật để phân biệt mụn nang và những loại mụn khác như kích thước lớn, nổi trên bề mặt da và xuất hiện dưới hình thái dạng bọc, u lớn. Một số dấu hiệu nhận biết chính xác như:

  • Mụn nổi từng cục có màu đỏ, bên trong có thể có hoặc không có mủ. Trong trường hợp có mủ thì cục mụn sẽ to hơn bình thường.
  • Bên trong nang mụn thường chứa nhiều vi khuẩn, tế bào chết và dịch nhầy màu trắng.
  • Ban đầu khi xuất hiện bạn sẽ thấy mụn có dạng cục, sưng đỏ và kèm theo cảm giác đau, khó chịu. Sau đó, nó chuyển dần thành dạng nang cứng, sờ vào có cảm giác như một cái bọc chứa dịch, mềm lỏng. Theo thời gian thì mụn bắt đầu chuyển thành tình trạng viêm nhiễm nặng hơn và lâu lành hơn.

Nhận biết các loại mụn khác

1. Mụn thịt dư

Mụn thịt là những nốt mụn li ti nổi hẳn trên bề mặt da, sần sùi và sưng cứng, thường không gây đau rát.

Mụn thịt (acrochordon) là những u da lành tính, còn được gọi là thịt dư, có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên da, nhưng thường phát triển ở cổ, mí mắt hoặc nách. Được cấu tạo từ collagen (một loại protein) hình thành các sợi và ống dẫn, tế bào thần kinh, tế bào mỡ và lớp biểu bì bên ngoài cùng. Mụn thịt có thể cùng màu với da hoặc sẫm màu hơn, một số có màu hồng. Bề mặt trơn láng hoặc nhăn nheo.

Nguyên nhân bị mụn thịt là do cơ thể sản xuất thêm tế bào ở các lớp trên cùng của da. Chúng có xu hướng hình thành ở các vùng nếp gấp da và những vùng da chuyển động tự nhiên khiến da cọ xát vào nhau. Nguyên nhân chính xác của tình trạng mụn thịt vẫn chưa được xác định rõ và có thể có cả nguyên nhân do lối sống và di truyền. Một số người có mụn thịt phát triển mà không rõ lý do.

Bất kỳ ai cũng có thể bị mụn thịt trên da và thường gặp ở người lớn tuổi. Những người có nguy cơ cao xuất hiện mụn thịt dư là: người có da lão hóa, thường xuyên tiếp xúc ánh sáng mặt trời, thai kỳ, thừa cân béo phì, hội chứng chuyển hóa (huyết áp cao, lượng đường trong máu không tốt hoặc rối loạn chuyển hóa lipid máu) hoặc gia đình có người bị mụn thịt trên da. Sự tăng trưởng của các mụn thịt trên da là vô hại.

2. Mụn cóc, mụn cơm

Mụn cóc thông thường có dạng u nhỏ màu trắng

Mụn cóc là bệnh phổ biến, lành tính, do thượng bì nhiễm Papilloma virus ở người (HPV) qua vết thương hở hoặc vết trầy xước, làm kích thích tăng sinh tế bào nhanh chóng dẫn đến hình thành mụn cóc. Virus HPV này có hơn 100 loại khác nhau, trong đó mụn cóc ở tay, chân thường do nhóm HPV 1,2,4,7,27 hoặc 57 gây ra, mụn cóc sinh dục thường do nhóm HPV 6,11…gây ra. (1)

Vết thương hở và da ẩm là môi trường ưa thích cho vi khuẩn xâm nhập qua da. Các yếu tố miễn dịch tại chỗ và toàn thân gây ảnh hưởng đến sự lây lan. Đặc biệt, những người bệnh có hệ miễn dịch suy giảm (nhất là người nhiễm HIV hoặc ghép thận) có nguy cơ cao phát triển các tổn thương gây khó điều trị.

Mụn cóc có rất nhiều loại khác nhau và thường được đặt tên theo vị trí xuất hiện. Hầu hết, mụn cóc thường không có triệu chứng. Tuy nhiên, có một số loại mụn cóc thường nhạy cảm như những vùng bề mặt chịu trọng lực (dưới chân) gây đau khi đi lại.

Cách điều trị các loại mụn trên da mặt

Ngoài việc phân biệt các loại mụn, bạn cũng cần có cách phòng ngừa và điều trị các loại mụn thường gặp để không làm tình trạng mụn nghiêm trọng hơn.

1. Duy trì lối sống lành mạnh

Nguyên nhân gây mụn chủ yếu do sự tăng sinh dầu nhờn, tế bào chết gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Để hạn chế tình trạng tăng sinh bã nhờn, bạn cần điều hoà nội tiết tố bằng cách xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh như:

  • Ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya và thiếu ngủ liên tục kéo dài
  • Hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước uống có cồn, đồ ngọt, sữa bò và các chế phẩm từ sữa bò. Các thực phẩm này sẽ dễ gây kích ứng da, làm tăng tiết dầu nhờn, tắc nghẽn lỗ chân lông, hình thành mụn.
  • Uống ít nhất 1.5-2 lít nước mỗi ngày cùng các loại rau củ, trái cây để cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
  • Tham gia hoạt động thể thao, giữ tinh thần vui vẻ, tránh căng thẳng, áp lực để không gây bùng phát mụn.

2. Làm sạch da đúng cách

Để hạn chế tình trạng bít tắc lỗ chân lông, cuối ngày bạn nên kết hợp tẩy trang và sữa rửa mặt để tối ưu hiệu quả làm sạch da.

Nếu da bạn không bị mụn nặng, tốt nhất nên tẩy trang bằng dầu tẩy trang. Động tác xoay tròn trên da kết hợp cùng dầu tẩy trang sẽ lấy đi triệt để bụi bẩn tích tụ sâu dưới lỗ chân lông, thậm chí làm mềm da và lấy đi những nốt mụn đã khô cồi một cách nhẹ nhàng không làm tổn thương thêm da của bạn. Lưu ý nhũ hóa thật kỹ khi sử dụng dầu tẩy trang để cặn trang điểm, bụi bẩn được làm sạch hoàn toàn

Nếu da bạn đang có những nốt mụn mủ to, viêm nặng bạn nên sử dụng nước tẩy trang dịu nhẹ, thấm ra bông tẩy trang rồi lau thật nhẹ nhàng tránh làm vỡ mụn, cuối cùng rửa mặt bằng sữa rửa mặt và kết thúc bằng lau nước lọc tinh khiết hoặc nước muối loãng để đảm bảo không làm viêm thêm các nốt mụn nhạy cảm này.

Pump dầu tẩy trang ra tay khô để tránh dầu bị nhũ hóa trước khi đưa lên da

3. Chăm sóc da đúng cách

Cố gắng thực hiện các bước skincare cơ bản để dưỡng da mỗi ngày như sau:

  • Tẩy trang kỹ
  • Dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ cho da
  • Luân phiên sử dụng mặt nạ đất sét, BHA để làm sạch sâu lỗ chân lông, không tạo môi trường cho vi khuẩn, bụi bẩn, tế bào chết tích tụ.
  • Dùng serum, kem dưỡng ẩm có kết cấu mỏng nhẹ để cấp ẩm cho da mà không sợ bít tắc lỗ chân lông
  • Ưu tiên sử dụng B5 để phục hồi hàng rào bảo vệ da giúp da hồi phục và khỏe lại nhanh chóng. Da có khỏe thì mới tiêu diệt được mụn
  • Dùng kem chống nắng nếu mụn nhẹ, bỏ qua bước kem chống nắng nếu tình trạng mụn nặng vì kem chống nắng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mụn trên da. Thay vì dùng kem chống nắng bạn chỉ cần che mặt thật kỹ bằng khẩu trang kết hợp đội mũ/nón để bảo vệ da khỏi tia UV
  • Đặc biệt, bạn không nên nặn mụn hay dùng tay chạm lên mụn và da mặt, nhằm hạn chế đưa vi khuẩn phát triển gây mụn.

Tự ý nặn mụn chỉ khiến tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn

4. Lựa chọn sản phẩm chăm sóc da phù hợp

Đối với da mụn, bạn nên ưu tiên sử dụng các sản phẩm có chứa thành phần lành tính, các hoạt chất ngăn ngừa và điều trị mụn như benzoyl peroxide, salicylic acid; các sản phẩm không sinh nhận mụn – có dòng chữ “oil-free”, “non-comedonegic” có  nguồn gốc rõ ràng.

Dù là da mụn bạn cũng không nên bỏ qua bước cấp ẩm cho da, nên tìm các sản phẩm dưỡng ẩm cho da dầu mụn có chứa thành phần axit hyaluronic, glycerin, vitamin B3, vitamin B5 để hạn chế da tăng sinh thêm dầu, làm tăng nguy cơ gây mụn.

Nếu tìm sản phẩm để làm thông thoáng lỗ chân lông, bạn nên tìm các sản phẩm có thành phần là axit salicylic, retinol hoặc retinoid, tránh gây kích ứng cho da.

5. Sử dụng thuốc bôi điều trị

  • Axit Azelaic: tiêu diệt vi sinh vật trên da và giảm sưng tấy
  • Benzoyl peroxide: có sẵn dưới dạng sản phẩm không kê đơn, thường ở dưới dạng gel
  • Axit salicylic: có trong sữa rửa mặt hoặc kem dưỡng da, giúp loại bỏ lớp da trên cùng bị tổn thương
  • Retinoids: phù hợp cho mụn đầu đen và mụn đầu trắng, ngăn ngừa sự hình thành mụn mới
  • Thuốc kháng sinh: thuốc kháng sinh bôi tại chỗ như clindamycin và erythromycin kiểm soát vi khuẩn trên bề mặt da
  • Dapsone: là loại gel bôi ngoài da, có đặc tính kháng khuẩn, dùng để điều trị mụn trứng cá viêm.

6. Uống thuốc của bác sĩ kê đơn

  • Thuốc kháng sinh: tetracycline, minocycline và doxycycline giúp điều trị mụn trứng cá từ trung bình đến nặng
  • Isotretinoin: là một retinoid đường uống, làm thu nhỏ kích thước tuyến dầu, hạn chế mụn trứng cá phát triển
  • Thuốc tránh thai: cần có hướng dẫn của bác sĩ
  • Liệu pháp hormone: liệu pháp hormone bao gồm estrogen và progesterone liều thấp ngăn chặn tác dụng của một số hormone gây tăng sinh tuyến dầu.

7. Các phương pháp điều trị mụn công nghệ cao

  • Laser: tia laser tác động vào sâu dưới da, tạo quá trình chữa lành vết thương của cơ thể, tạo ra collagen mới tái tạo làn da.
  • Peel da hóa học: sử dụng các hóa chất để loại bỏ lớp da cũ trên cùng, để lại lớp da mới mịn màng hơn và làm mờ sẹo mụn.

 

Contact Me on Zalo
0961800668